Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Kế thứ nhất: Mạn thiên quá hải (Dối trời qua biển)

Tiếng Hán: 瞞天過海

I. Nguyên văn

Bị chu tắc ý đãi, thường kiến tắc bất nghi. Âm tại dương chi nội, bất tại dương chi đối. Thái dương, thái âm


II. Chú thích

- Đãi: lười biếng, coi thường, không chú ý.
- Thái dương, thái âm: hai khái niệm này xuất hiện rất sớm trong "Dịch truyện" của Chu Dịch. Âm dương là cặp phạm trù cơ bản của triết học cổ đại Trung Quốc, dùng để chỉ 2 mặt đối lập của sự vật. Dương ở trong kế này dùng để chỉ sự công khai, sự biểu lộ ra ngoài. Âm dùng để chỉ sự bí mật, cơ mật. Thái dương là hình thức cực thịnh của dương, ý là rất công khai, ai cũng hiểu vậy. Thái âm là hình thức cực thịnh của âm, ý là rất bí mật để không ai biết.



III. Dịch nghĩa

Khi tự mình nhận thấy đã phòng bị chu đáo thì dễ phát sinh trạng thái thờ ơ, coi thường, không thèm để ý. Những điều thường thấy, quen thuộc, hay gặp thì không còn cảm thấy hoài nghi. Điều bí mật ẩn chứa trong sự công khai chứ không đối lập với sự công khai. Càng công khai, càng bí mật.

IV. Những tình huống áp dụng

- Dùng dương (công khai) thuận theo ý người, dùng âm (bí mật) làm theo ý mình. Cách này khiến cho đối phương mất cảnh giác để tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc "quá hải", đây là mục đích cuối cùng cần đạt được.
- Tạo ra hiện tượng giả đánh lừa, dựa theo nhược điểm của đối phương, lấy giả làm rối loạn thật, theo đó mà nắm bắt lợi thế.
- Đánh lạc hướng sự quan sát của đối phương, dời sự chú ý của đối phương qua đối tượng khác, khiến cho đối phương không biết ý định thật của mình hoặc quên đi mình, vô tình làm theo ý mình.
- Che giấu tung tích, tức là dùng thủ đoạn khiến đối phương bộc lộ rõ ý đồ, còn mình thì không để lộ mục đích hay hình tích. Mình vô tình mà đối phương hữu ý, lấy giả làm thật, đương nhiên không thể không thắng.

V. Giải thích

Kế này xuất phát từ "Vĩnh Lạc đại điển. Tiết Nhân Quý chinh Liêu sư lược".

VI. Dẫn truyện

Binh pháp tôn tử Mạn thiên quá hải (Dối trời qua biển)
Mạn thiên quá hải (Dối trời qua biển)

Đường Thái Tông ngự giá thân chinh, dẫn 30 vạn đại quân tiến đánh Cao Ly (Hàn Quốc hiện tại). Khi đến bờ biển, chỉ thấy một trời sóng vỗ cuồn cuộn. Nước Cao Ly ở bên bờ kia xa ngàn dặm, 30 vạn đại quân làm sao vượt qua biển lớn? Lúc đó, Thái Tông hơi sinh lòng hối hận việc đánh Cao Ly. Tiền Bộ Tổng quản Trương Sỹ Quý mới hỏi kế Tiết Nhân Quý. Tiết Nhân Quý đáp: "Hoàng Thượng e ngại biển lớn ngăn trở cuộc chinh phạt Cao Ly. Tôi có một kế làm cho Hoàng Thượng trên biển mà chẳng hay biết". Vài ngày sau, Trương Sỹ Quý cùng các tướng lãnh đến gặp Thái Tông, nói có một ông lão phú hào tình nguyện cung cấp quân lương để nhà vua vượt trùng dương. Thái Tông nghe xong rất cao hứng, lập tức truyền cho gặp ông lão. Sau đó, Thái Tông theo ông lão ra bờ biển vào một căn phòng đẹp đẽ để nghiệm thu lương thực. Chỉ thấy bốn vách trang trí hoa lệ, trên bàn dọn đầy thức ăn và rượu ngon. Thái Tông cùng ông lão chè chén say sưa, quên luôn chuyện qua biển. Qua một lúc sau, các bức mành treo ở bốn vách vị gió thôi bay lất phất, ly chén trên bàn nghiêng ngửa. Thái Tông bất giác sinh nghi, liền vén màn nhìn ra ngoài, chỉ thấy bốn phía là biển lớn không có bờ bến. Trương Sỹ Quý vội giải thích cho nhà vua: "Bệ hạ và 30 vạn quân đang ở trên thuyền vượt qua biển cả, phía trước mặt chính là đất Cao Ly.". Thì ra, Thái Tông đang ở trong căn phòng hoa lệ chính là chiến thuyền được hóa trang thành.
Trong kế này có thể thấy, nguyên ý của "Mạn thiên quá hải" là gạt "chân long thiên tử" Đường Thái Tông. Thiên ở đây chính là chỉ Đường Thái Tông, khiến cho ông không hay biết mà vượt qua biển. Trong kế "Dối trời qua biển" chỉ ra phương pháp dùng cách ngụy trang, tạo ra một hiện tượng giả công khai làm cho đối phương mất sự nghi ngờ cảnh giác, sự bí mật chính nằm ở trong sự công khai, lấy cái thật nằm trong cái giả khiến cho đối phương quên đi sự ngần ngại do dự mà vượt qua khó khăn, bất ngờ đạt được mục đích.

1 nhận xét:

  1. Mình thấy chuyện giả vờ ra ngoài thành tập bắn cung hay hơn!

    Trả lờiXóa